Những câu chuyện từ Eta – Hỏa


Tựa đề: Câu chuyện từ Eta – Hỏa
+Tác giả: Tiểu Vy
+Thể loại: Tản văn
+Nội dung:
Eta – chữ H trong tiếng Hi Lap cổ…
Liệu có những câu chuyện gì từ Eta, xứ sở của thần địa ngục Hades?
+Ghi chú: Nếu có nhã ý sử dụng một phần hay toàn bộ tác phẩm dưới đây, bạn vui lòng ghi chú tên tác giả là Tiểu Vy và liên lạc với mình qua địa chỉ yahoo: alex_ghost_13
Chân thành cảm ơn các bạn.

*-*-*
Câu chuyện từ Eta – Hỏa

(Viết sau khi đọc bài phóng sự về đám cháy ở xã Tân Dân, An Lão, Hải Phòng)

Nhã An lọ dọ bước quanh khu xưởng may vừa bị thiêu trụi cách nay một tuần. Công an, cảnh sát đã rút quân, những dải băng trắng dùng cách li khu vực chưa được thu dọn hết, nằm vương vãi như những đoạn khăn tang. Mọi thứ không có gì nổi bật trên nền đất cháy đen xì. Cô chậm rãi bước như người mộng du, cứ quanh quẩn như thế. Mỏi chân, Nhã An ngồi phịch xuống một tảng đá cách đó chừng hai mươi thước, thở dốc. Cô đưa tay ra sau, mò mẫm tìm chai nước vắt bên hông chiếc ba lô vải jean khá thời trang. Bàn tay vô tình chạm trúng một người đàn ông, chẳng biết đã đến ngồi từ lúc nào.

-Xin lỗi!

Nhã An hơi ngượng ngùng. Người đàn ông cười khà, xua tay, luôn mồm bảo “không sao, không sao”. Trời hôm nay nhiều mây, mát mẻ, nhưng Nhã An lại thấy thân thể nóng bức khó chịu lắm, cô mở nắp chai, tu liền một hơi hết nửa lít nước. Người đàn ông ngồi trầm ngâm, nhìn vào đống đổ nát, nén một hơi thở dài. Đoán chừng ông ta có người thân gặp rủi trong vụ hỏa hoạn này, Nhã An tò mò bắt chuyện. Vẫn như lần trước, ông lại cười khà, luôn mồm “không sao, không sao” rồi mới bắt đầu câu chuyện của mình.

-Vụ cháy lớn quá, phải mà có thêm vài người, chắc đã không… như thế. – Ông đưa tay vào túi áo, có lẽ tìm thuốc lá.

-… – Nhã An không trả lời, chỉ gật gù. Cô đảo mắt tìm xem có đám người nào tụ tập gần đây không, sao lại nghe ồn ào đến thế.

-…Không nhẽ thấy chết mà không cứu. Bác lao vào, nhưng đã quá trễ. Đống xốp trên nền nhà bắt lửa cháy quá nhanh…. Mọi người chạy tán loạn. – Giọng người đàn ông chậm dần và cũng nhỏ dần. Những âm tiết nhất nhá đã bắt đầu thưa hơn.

“Ra bác này cũng tham gia chữa lửa.” Nhã An im lặng quay lại với câu chuyện, thôi không tìm kiếm nguyên nhân gây ra những tiếng ồn khó chịu trong tai.

-Bác kể chuyện đó với cháu nó làm gì?

Một người đàn bà trạc bốn mươi, thân hình gầy xọp trong bộ quần áo công nhân chẳng biết đã đến từ lúc nào lên tiếng. Chị phe phẩy chiếc nón lá cũ như phẩy cả luồng gió nóng vào người Nhã An. Cô rụt rè ngồi dịch sang một bên.

-Đấy, cháu thấy bức tường ấy không? – người đàn ông cười khà, trỏ vào bức tường xây tạm bợ, cháy nham nhở.

“Không biết nó bị thiêu ra thế hay trước đó đã như thế?” Nhã An đưa máy ảnh lên chụp vài tấm, cũng thuận tay bật luôn chiếc máy thu âm kiêm mp3 giắc trên cổ áo.

-Gạch ba banh đấy, xây tạm che cái kho, để tụi nhỏ khỏi phá, lửa cháy một phần, còn một phần là tôi đập đấy.

Người đàn bà vẫn luôn tay phe phẩy chiếc nón lá, nói khơi khơi như chẳng cần ai nghe. Từ đống đổ nát, có vài người đi ra, đang hướng đến chỗ Nhã An. Thân thể ai nấy đều sũng mồ hôi, tro khói ám đầy. Nền trời tím lam hằn lên những cái bóng đen cứ lừ lừ bước đi giữa đống đổ nát càng thêm ảo não.

“Chắc họ đến tìm xem còn thứ gì chưa cháy hết không.” Nhã An nghĩ thầm, thuận tay đưa máy ảnh chụp ngay vài tấm, lại quay sang hỏi chuyện người đàn bà.

-Sao lại phá tường vậy cô?

-Phá để thoát chứ. Nếu phá xong thì mấy chị em…

Tiếng nấc nghẹn làm câu chuyện bị gián đoạn. Chị không khóc nhưng thỉnh thoảng vẫn nấc khan mấy tiếng. Thấy Nhã An toan rút bao khăn giấy ra, chị vội xua tay từ chối.

Đám người kia không đi đến chỗ Nhã An, họ bắt đầu đi vòng quanh xưởng may. Dường như có trên chục người cứ đi như thế. Những cái bóng chậm rãi bước. Không phải tìm kiếm, chỉ là đi.

-Thấy lửa lan nhanh như thế, tôi gào thất thanh. Mọi người chỉ chạy… Giẫm lên nhau mà chạy…

Nước mắt như chảy vào cổ họng khiến những lời kể càng thêm đứt quãng. Người đàn ông vỗ nhẹ vai chị ta mấy cái, lại tiếp tục câu chuyện.

-Có một đám thanh niên đứng đây, ngay chỗ này đây. Có lẽ không nghe thấy tiếng các bác.

-Sao lại không nghe? – người đàn bà quát lên. Nước mắt đã giàn giụa khắp gương mặt gầy guộc. – Chúng nó thấy, chúng nó nghe hết, chỉ là không cứu.

-Sao lại không cứu? – Nhã An buột miệng.

-Chúng nó không phải người! – Chị ta gào lên rồi òa khóc như một đứa trẻ.

Những lời kể mà như chẳng phải kể nữa. Tất cả đang hiện ra rõ ràng trước mắt Nhã An như một đoạn phim quay chậm. Mọi thứ đều rất sống động. Mùi khét lẹt thoang thoảng, tiếng nấc nghẹn và những bóng người quanh quẩn trong gian xưởng may chưa rộng đến 200 mét vuông góp phần củng cố cho câu chuyện thêm phần chân thực. Nhã An rùng mình. Cô như thể thấy rõ trước mắt mình cảnh ngọn lửa đang bốc lên cao, rồi lan ra rất nhanh. Hơi nóng khiến da thịt cô bỏng rát. Tiếng gào thét từ đâu đó vọng về trong lời kể. Khói đang bốc mù mịt giữa căn phòng chật hẹp. Tiếng chân người rầm rập len qua lối đi nhỏ bừa bộn những thùng, bao nguyên liệu. Căn phòng không có lấy một bình chữa lửa!

Nhã An muốn đứng lên, muốn tạm thời dừng lời kể chân thật đến quái lạ này lại nhưng… Câu chuyện cứ tiếp tục và tay cô vẫn không ngừng ghi chép.

Lối ra vào đầy người. Cả nhà xưởng chỉ có một lối ra duy nhất ấy thôi. Người đàn bà quay đầu nhìn chằm chằm vào bước tường tạm bợ phía sau rồi hối hả chạy về hướng ấy. Chị loay hoay tìm kiếm rồi bất thần nhặt một chiếc xà ben lăn lốc trong xó lên. Đập, cạy, đâm, cào… Bức tường như trở thành kẻ thù không đội trời chung với chị.

Qua mấy chấn song ô cửa sổ chỉ to bằng bốn bàn tay chụm lại, người đàn bà thấy một đám thanh niên chừng mười mấy người đang đứng cách đó chừng hơn hai chục thước. Chính ngay tảng đá Nhã An đang ngồi đây. Hơi nóng càng lúc càng táp vào người gần hơn, ai nấy ướt sũng, đầu tóc rũ rượi. Chị ta gào lên, dùng cây xà ben gõ mạnh vào chấn song tạo ra những tiếng ồn chát chúa.

“Cứu với, cứu với, mọi người ơi, cứu với…”

Tiếng chị lẫn vào tiếng la thét kia vẫn rõ ràng từng âm một. Đám người đó chị quen cả, đều là người cùng làng, cùng sinh ra và lớn lên ở đây.

Người đàn ông vung tấm da thuộc dập lửa, đưa chân đá bớt những thứ dễ cháy. Lửa bén vào những đống xốp vươn vãi thốc qua chồng thùng giấy cạc tông rất nhanh. Mồ hôi ông nhễ nhại cuốn đám khói than chảy nhoe nhóe trên gương mặt đen sạm. Đường tắt, mọi người đang gồng mình dập lửa. Vài ba người cùng chị phá bức tường gạch kia.

Đám thanh niên vẫn đứng đó, ném vào đống lửa những cái nhìn.

Những cái nhìn chị không bao giờ quên!

Đầy phấn khích!

Và những lời nói… những cái chỉ trỏ… nhưng không ai động chân chạy đến chữa lửa.

Chỉ cần chạy đến!

Bức tường gạch dường như không hề suy suyển trong khi khói đã kéo mù khắp nơi. Người đàn bà riết chặt lấy cây xà ben nóng dần lên bởi hơi lửa. Vài người đã ngã gục. Chị, một tay che miệng, một tay vẫn đập, cạy, đâm, cào… cho đến khi tay chân nhũn ra, chiếc xà ben rơi xuống.

Đám người ấy vẫn đứng đấy, chỉ trỏ, quan sát…

Lặng lẽ ghi cho xong bài tốc kí, Nhã An khó khăn lắm mới đành lòng chia tay hai chứng nhân vụ cháy.

[…]

Thả bộ hơn hai cây số, lại đi xe đò hơn ba giờ, Nhã An mới về đến nhà trọ. Cô thẫn người khi cầm tờ báo được nhét chặt trong khe cửa, chẳng buồn lầm bầm trách ông giao báo quá cẩu thả.

Tổng cộng vụ cháy có hơn mười ba người chết, thêm mười tám người phỏng rất nặng và chục người nữa phỏng nặng. Tất cả đang điều trị ở bệnh viện tỉnh.

Phụ trang của báo có đăng hình vài nạn nhân. Nhã An đứng sững khi thấy gương mặt người đàn bà gầy guộc nọ và người đàn ông luôn miệng “Không sao, không sao.” Theo lời vài người còn sống sót kể lại, ông không phải là công nhân của xưởng, chỉ là một người qua đường. Sống mũi cô đột nhiên cay cay khi nhớ đến câu nói “không nhẽ thấy chết mà không cứu?” đậm giọng Bắc của ông. Lại nhớ đến đám thanh niên đứng ngay tảng đá nơi cô ngồi.

“Tại sao?”

Nhã An đút thẻ nhớ vào máy tính, mở xem những tấm ảnh vừa chụp được, nghe luôn đoạn thu âm đầy nước mắt.
Máy thu rè rè những tiếng u u không rõ ràng.
Thẻ nhớ đầy những hình nhưng cô tìm mãi cũng không thấy những tấm chụp đám người đi quanh đống tro tàn của nhà xưởng. Tất cả những gì cô có, chỉ là cảnh tan hoang của một xưởng may đã cháy trụi và bức tường gạch ba banh cháy nham nhở.

Cô bật khóc, ấn nút xóa tiêu đề của bài phóng sự vừa viết, thay vào đó là một bài cảm nhận về thanh niên.

Nhìn vào màn hình trắng toát của máy tính, Nhã An như đang thấy điều gì rõ ràng.

Hình ảnh người đàn ông trầm ngâm nhìn về phía đống đổ nát. Tiếng người đàn bà vẫn vang vọng mãi rồi tan dần trong làn khói xám ngắt cuối cùng bốc lên nền trời trong veo.

Leave a comment